Bài thi môn Toán thường được nhân hệ số 2 nên góp phần rất lớn quyết định đến kết quả của kỳ thi. Vì thế, học sinh cần giữ cho tinh thần thật thoải mái, tự tin và lưu ý:
1. Trước khi thi ít nhất 15 ngày phải ngủ nghỉ đúng giờ để lấy lại giờ giấc sinh học chuẩn. Trước ngày thi có khoảng nghỉ ngơi từ 1 đến 2 ngày, không học thêm kiến thức mới hay luyện đề gì nữa. Hạn chế chơi những môn thể thao có tính đối kháng cao.
2. Ăn uống đủ chất, điều độ và không ăn uống linh tinh, đồ lạnh, cay, nóng… gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
3. Đi thi sớm hơn 15 đến 30 phút mỗi buổi thi. Nếu có điều kiện thì nhờ bố mẹ, người thân đưa đến tham quan địa điểm thi trước vài ba ngày để nhìn ngắm xung quanh… tạo cảm giác thân quen như đang thi ở trường mình.
4. Trước khi vào phòng thi ghi nhớ số báo danh, nói chuyện vui vẻ với bạn bè để giải tỏa áp lực. Tâm lý hồi hộp là không thể tránh khỏi. Các em nên hít thở sâu, hít vào 6 giây và thở ra 6 giây chậm để cung cấp ôxy lên não nhiều hơn.
5. Mang đủ đồ dùng học tập: thước kẻ, compa, eke, thước đo độ, bút chì, tẩy, bút viết (khoảng 3 chiếc và chúng đã được dùng 2–3 lần trước đó để chắc chắn không bị hỏng hay tắc mực), máy tính loại không có thẻ nhớ, không có chức năng soạn thảo văn bản và kết nối internet (mang thêm 1 máy dự phòng nếu có).
6. Đọc kĩ đề bài (vài ba lượt) để nhớ lại dạng bài, gạch chân những ý lạ, những câu nhiều yêu cầu. Bài dễ làm trước, khó làm sau. Bài nhiều điểm phải làm chi tiết, tỉ mỉ. Bài khó, ít điểm làm ngắn gọn. Nếu dùng kiến thức bên ngoài sách giáo khoa thì tốt nhất là nên chứng minh lại.
7. Các bài tính toán luôn nhớ dùng máy tính kiểm tra lại kết quả (không được chủ quan). Thấy số không được đẹp thì xem lại cách làm từ đầu xem có sai ở đâu không.
Đặt chỉ mục các phần đã làm được, chưa làm, chưa hoàn thành, cần xem lại…để tránh bỏ sót. Làm cẩn thận từng bước, kiểm tra đúng mới làm tiếp.
8. Bài thống kê và xác suất: thường không khó, học sinh cần nắm vững công thức và tính toán cẩn trọng.
9. Bài rút gọn không được quên kẻ dấu phân thức. Khi làm phần (c) chú ý so lại các giá trị x tìm được với điều kiện bài toán để loại bỏ nếu vi phạm.
10. Bài giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình: không làm tắt bước "biểu diễn các đại lượng". Nhớ ghi đơn vị từng đại lượng được biểu diễn và điều kiện khi nào là số thực dương, khi nào là số nguyên dương…
11. Bài hình không gian: thuộc công thức tính các đại lượng để áp dụng vào thực tế. Chỉ thay giá trị của số "π" vào bước cuối để tránh làm tròn số nhiều lần.
12. Bài đồ thị hoặc phương trình bậc hai: không được quên điều kiện để phương trình có nghiệm. Với các bài toán bất đối xứng, phức tạp thì hãy để ý đến hệ quả của định lý Viète, biệt thức chính phương, phân tích đa thức hai biến thành nhân tử… để tìm mối liên hệ giữa các nghiệm.
13. Bài hình phẳng:
+ Vẽ hình vào nháp trước rồi từ đó căn chỉnh và vẽ vào bài thi để đảm bảo đường thẳng không cắt vào ký hiệu điểm, hình không vượt ra ngoài tờ giấy thi. Nên vẽ hình ở trang cuối tờ thứ nhất cho dễ làm bài. Chỉ dùng compa chì vẽ đường tròn.
+ Không ký hiệu quá rối trên hình (nếu cần dùng hình ngoài nháp).
+ Chỉ dùng kết quả câu trên để làm câu dưới, không làm ngược lại. Nếu không làm được câu trước thì vẫn được dùng kết quả câu đó để làm câu tiếp theo.
+ Trong trường hợp hình chưa tốt hay bị lem, học sinh có thể vẽ thêm một hình sạch đẹp hơn sau khi làm xong vào cuối bài thi.
14. Bài phân loại học sinh: trước tiên cố gắng dự đoán điểm rơi hoặc nghiệm cơ bản của phương trình, hệ phương trình để từ đó có căn cứ biến đổi.
15. Tuyệt đối không để trống trang đầu các tờ giấy thi. Làm ngay từ dòng đầu tiên mỗi trang giấy thi. Không trang trí, ghi các ký tự đặc biệt vào bài thi. Nhớ ghi đầy đủ phần phách, số tờ giấy làm bài.
Gần đây toán thực tế xuất hiện tương đối nhiều trong các đề thi. Học sinh muốn học tốt toán thực tế thì trước tiên phải nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Tiếp đó là phải phân loại được câu đó rơi vào dạng nào và khi đã xác định được dạng rồi thì có một nguyên tắc để giải là chuyển từ bài toán thực tế sang mô hình toán học. Đây là thao tác quan trọng và cũng rất khó, đòi hỏi học sinh phải có những trải nghiệm, hiểu được ngôn ngữ cuộc sống thường nhật, đọc nhiều đề, làm nhiều dạng để tích lũy kinh nghiệm.
Đặc biệt cần tuân thủ nguyên tắc "Không đổi 9.0 điểm lấy 1.0 điểm Toán". Không tham bài 0.5 điểm (như c–Hình hay bài cuối) mất nhiều thời gian mà bỏ bài dễ nhưng nhiều điểm. Căn thời gian hợp lý để làm bài, bài nào khó quá suy nghĩ trong khoảng 10 phút chưa ra giải pháp thì chuyển bài khác và đánh dấu để quay lại sau.
Nguyễn Kim Sổ
Hội Toán học Việt Nam