024 6680 9640
THÔNG TIN TOÁN HỌC Bản tin toán học

GS.TSKH Ngô Việt Trung: Môn Toán bị coi nhẹ, đẩy dần khỏi trường Đại học


Ngày cập nhật: 14-08-2023:08-23-31 / Số lần đọc: 5084
Trong báo cáo của Hội Toán học Việt Nam tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X năm 2023, GS.TSKH. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (nhiệm kỳ 2018-2023) đã chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với ngành Toán.
Theo GS.TSKH. Ngô Việt Trung, xu hướng “nhập khẩu công nghệ và tri thức nước ngoài” khiến cho vai trò của khoa học cơ bản, trong đó có Toán học dường như bị bỏ qua, “không được nhìn thấy”, ngày càng rõ rệt trong các cơ quan quản lý, thậm chí ở cả trường đại học và viện nghiên cứu.


GS.TSKH. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X

Theo GS.TSKH. Ngô Việt Trung, những năm qua, hàng loạt trường đại học và cao đẳng được thành lập mới hoặc nâng cấp lên. Tuy nhiên, số lượng các trường Đại học cao đẳng có ngành Toán hoặc sư phạm Toán tăng lên rất ít. Thời lượng các môn Toán ở bậc Đại học bị giảm đi nhiều, thậm chí bị loại bỏ khỏi một số chương trình đào tạo.
Nguyên nhân của việc này, một mặt do sự bất cập của giao quyền tự chủ đào tạo cho các trường mà chưa có một cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo. Từ đó, dẫn tới các trường tìm mọi cách bỏ hoặc giảm giờ các môn Toán cao cấp.
Mặt khác, do phần lớn cách giảng dạy, truyền đạt nội dung môn Toán cho sinh viên các trường chưa cập nhật được xu hướng phát triển của thời đại công nghệ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của ngành khác. Trừ một số rất ít các đơn vị có thay đổi giáo trình và phương pháp truyền đạt, đại đa số vẫn theo khuôn mẫu Toán cao cấp từ thời Xô viết.
Với phương pháp giảng dạy và hợp tác nghiên cứu với các ngành khác như vậy, giảng viên của các trường chưa làm cho sinh viên cũng như giảng viên ngành khác thấy vai trò quan trọng của môn Toán trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường.
“Trong khi đó, xung quanh ta là sự trỗi dậy thần kỳ của một số nền Toán học, điển hình là Hàn Quốc, Singapore và Malaysia, đã tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển của nền Toán học Việt Nam”, ông Trung cho hay.

Hẫng hụt lớn đội ngũ giảng viên Toán
GS.TSKH. Ngô Việt Trung nêu thực trạng, một thách thức nữa đối với ngành Toán, đó là lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn, sự giảm sút vai trò của Toán học trong con mắt xã hội… làm cho nghề dạy Toán và nghiên cứu Toán học không còn hấp dẫn giới trẻ.
Cùng với đó, nhiều Giáo sư và phó Giáo sư đến tuổi nghỉ hưu, việc bổ sung đội ngũ Giáo sư, phó Giáo sư càng khó khăn, nhất là đối với các trường kỹ thuật, đã làm cho tiếng nói của những người giảng dạy và nghiên cứu Toán ở các cơ sở Đại học ngày càng yếu hơn. Năm năm qua, với 4 đợt công nhận Giáo sư và phó Giáo sư, toàn bộ ngành Toán (không kể Phương pháp giảng dạy Toán), có thêm 11 Giáo sư và 55 phó Giáo sư (năm 2019: 5 Giáo sư, 21 phó Giáo sư; năm 2020: 3 Giáo sư, 13 phó Giáo sư; năm 2021: 1 Giáo sư, 10 phó Giáo sư; năm 2022: 2 Giáo sư, 11 phó Giáo sư). Trong đó có 2 Giáo sư dưới 40 tuổi và một số phó Giáo sư dưới 35 tuổi.

Đại biểu đặt câu hỏi tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X năm 2023
Từ đó có thể thấy, lực lượng giảng viên dạy Toán, đặc biệt lực lượng có chức danh Giáo sư, phó Giáo sư ở bậc đại học và cao đẳng còn quá ít ỏi. Giảng viên Toán tại các trường luôn trong tình trạng quá tải, vất vả để đảm đương khối lượng giờ giảng, do đó không còn thời gian và tâm sức dành cho nghiên cứu. Điều này xảy ra ngay cả ở các trường đại học tự chủ khi thu nhập giảng viên được tăng đáng kể.
Số lượng nghiên cứu sinh về Toán, đặc biệt, nghiên cứu sinh trong nước giảm mạnh. Nhiều sinh viên muốn được đào tạo tiến sĩ ở những ngành nhẹ nhàng hơn. Hầu hết các cơ sở đào tạo tiến sĩ về Toán không tuyển đủ chỉ tiêu, dù nhu cầu đào tạo Tiến sĩ toán cho các trường Đại học và cao đẳng cao.
Cùng với đó, tiếng nói của các giảng viên ngành Toán trong các trường học không thực sự có ảnh hưởng tới chương trình và quản lý đào tạo ở các trường, trừ một số trường đại học có khoa Toán, nói chung. Điều này khiến cho vai trò ngành Toán ngày càng mờ nhạt.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X

Muốn có nền giáo dục tiên tiến, không thể thiếu môn Toán
“Cần khẳng định được vai trò không thể thiếu của môn Toán trong các chương trình đào tạo đại học và cao đẳng, nếu như đất nước muốn có một nền giáo dục tiên tiến”, GS.TSKH. Ngô Việt Trung cho biết.
Việc kết hợp hài hòa giữa giảng dạy và nghiên cứu là mục tiêu quyết định cho sự phát triển Toán học. Hiện nay, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT về đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo, trong đó có việc khuyến khích tham gia kiểm định theo chuẩn quốc tế khác (như ABET, ACBSP, AUN-QA…), các chương trình đào tạo cần đảm bảo thời lượng các môn khoa học tự nhiên cho các ngành kỹ thuật, kinh tế…
Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030 đã được phê duyệt cuối năm 2020. Mục tiêu của Chương trình tiếp tục là thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền toán học Việt Nam về cả lý thuyết lẫn ứng dụng để nền Toán học Việt Nam đến năm 2040 vào nhóm các nước phát triển về Toán.
Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải có các biện pháp để nghiên cứu ứng dụng Toán học trở thành mối quan tâm của các tập đoàn công nghiệp, kinh tế, của các ngành liên quan đến tin học, cơ học, kinh tế, y sinh, tài chính, biến đổi khí hậu và xã hội học ở Việt Nam.
Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông, các học sinh có năng khiếu và tạo niềm đam mê toán học cho các sinh viên Toán các bậc đại học để các em theo đuổi nghề nghiệp Toán sau này.
Những năm qua, đội tuyển Olympic Toán quốc tế vẫn giành được nhiều huy chương và hầu hết xếp thứ hạng trong top 10. Nhiều gương mặt trẻ đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi IMO, triển vọng trở thành đội ngũ kế cận xứng đáng trong tương lai.
Gần đây, số lượng các nhà toán học trẻ nhận các học bổng sau đại học và sau tiến sĩ ở nước ngoài tăng lên đáng kể. Điều đó đem lại hy vọng về sự bổ sung lực lượng trong tương lai. “Vấn đề còn lại là làm sao để những người được đào tạo tốt ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Việt Nam làm việc”, GS.TSKH. Ngô Việt Trung chia sẻ.

Hội nghị Toán học Việt Nam lần thứ X, năm 2023 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cơ quan trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có 2 đại biểu là nhà khoa học nước ngoài và gần 90 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có các nhà khoa học hàng đầu như: GS. Vũ Hà Văn (Yale, USA và VINBDI), GS. Phạm Hữu Tiệp (Rutgers, USA), GS. Đinh Tiến Cường (NUS, Singapore), GS. Phan Thành Nam (LMU Munich, Đức), GS. Nguyễn Trọng Toán (Penn State, USA), GS. Nguyễn Lê Lực (Oxford, UK), GS. Phan Dương Hiệu (Telecom Paris, Pháp, GS. Trần Vĩnh Hưng (Wisconsin, USA), GS. Trần Trọng Hiền (NC State, USA),…

Nguồn tham khảo:
www.vms.org.vn
www.viasm.edu.vn
www.kienthuc.net.vn

Nguyễn Kim Sổ
Hội Toán học Việt Nam

Mời bạn đánh giá bài viết này!
TIN TỨC KHÁC
Lịch sử Toán học Việt Nam (kỳ cuối): Sách toán Việt Nam giữa hiện thực và huyền thoại
Lịch sử Toán học Việt Nam (kỳ cuối): Sách toán Việt Nam giữa hiện thực và huyền thoại
Ngày tạo 06:58 | 22/10/2024
Qua những những cuốn sách toán hiện còn sót lại, chúng ta không chỉ hình dung ra một lịch sử phát triển của toán học Việt Nam thời kỳ Trung đại mà còn cả những nhà toán học tiêu biểu, trong đó có Lương Thế Vinh và cuốn Toán pháp đại thành.
Lịch sử Toán học Việt Nam (kỳ 2): Sách toán Việt Nam hiện tồn
Lịch sử Toán học Việt Nam (kỳ 2): Sách toán Việt Nam hiện tồn
Ngày tạo 06:40 | 22/10/2024
Hiện được bảo tồn trong các thư viện và trong các bộ sưu tập tư nhân, các tác phẩm toán học của người Việt Nam đều phản ánh một trong những mối quan tâm về ứng dụng toán học quan trọng của người Việt là tính toán các diện tích mặt phẳng, các phép đo đạc và đơn vị đo.
Lịch sử Toán học Việt Nam (kỳ 1): Toán học Việt Nam thời kỳ Trung đại
Lịch sử Toán học Việt Nam (kỳ 1): Toán học Việt Nam thời kỳ Trung đại
Ngày tạo 15:56 | 21/10/2024
[Lời người dịch] Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài tổng quan Mathematics in Vietnam của giáo sư A. Volkov, chuyên gia nghiên cứu lịch sử toán học Việt Nam thời Trung đại, được in trong Encyclopaedia of the History of Science, Technology, and Medicine in Non-Western Cultures (Helaine Selin Editor), Third Edition, Springer, 2016, pp. 2818-2833. Để phản ánh đúng nội dung bài viết và tiện cho bạn đọc, chúng tôi xin đổi Mathematics in Vietnam thành Toán học Việt Nam thời kì Trung đại.
Đại học nước ngoài hạng 500 thế giới mới được mở trường ở Việt Nam
Đại học nước ngoài hạng 500 thế giới mới được mở trường ở Việt Nam
Ngày tạo 16:48 | 21/10/2024
Để mở phân hiệu tại Việt Nam, các đại học nước ngoài phải thuộc nhóm 500 trường hàng đầu thế giới ở các bảng xếp hạng uy tín, trong ba năm gần nhất. Đây là điểm mới trong Nghị định 124 của Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học, hiệu lực từ ngày 20/11. Quyết định thành lập phân hiệu đại học nước ngoài tại Việt Nam do Thủ tướng cấp.
Bộ Giáo dục bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10 THPT
Bộ Giáo dục bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10 THPT
Ngày tạo 23:11 | 19/10/2024
Bộ Giáo dục bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10, song lại dự kiến môn này sẽ thay đổi hàng năm để tránh học lệch, học tủ. Nội dung trên nằm trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 19/10.